“Vấn đề không phải là tiền, vấn đề là truyền tải một thông điệp” là một trong những câu nói nổi tiếng của cố tài tử Heath Ledger trong vai nhân vật Joker 11 năm trước. Ngày nay, tầm quan trọng của việc truyền thông lại được nhắc đến tại talkshow “Truyền thông OKR: Hiểu đúng, làm trúng”, làm thế nào để truyền thông nội bộ OKR đến toàn bộ tổ chức một cách hiệu quả?
Sự kiện diễn ra ngày 26/10/2019 vừa qua thu hút đông đảo người tham dự từ cấp nhân sự đến bậc quản lý với mong muốn tìm hiểu, triển khai OKR, cách thức truyền thông hiệu quả, kinh nghiệm thực tế cùng giá trị mà phương pháp này mang lại cho doanh nghiệp.
Mở đầu, các video phân tích về OKR trên hệ thống học tập trực tuyến Agilearn đã giúp mọi người hình dung một cách khái quát về phương pháp hiện đại này.
Diễn giả thuyết trình đầu tiên là Phạm Anh Đới (Giám đốc Học viện Agile). Qua phần trình bày của anh, người xem hình dung được tại sao các tổ chức phải chuyển đổi Agile trong bối cảnh chuyển đổi số. Với Agile, doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng đã thành công với Agile, từ Logivan, F88, 30Shine đến gã khổng lồ công nghệ Google.
Điều tối quan trọng trong chuyển đổi Agile là đặt mục tiêu để tạo được sự đồng thuận từ tất cả thành viên, với yếu tố quan trọng số một: cam kết từ lãnh đạo cao nhất. Nếu không đặt mục tiêu hiệu quả, những buổi họp kế hoạch chỉ giống như một buổi thương lượng, tổ chức sẽ không thể đi đúng hướng. OKR chính là phương pháp quản trị mục tiêu hàng đầu, với sự hiệu quả vượt trội so với phương pháp cũ KPI.
Yếu tố quan trọng trong triển khai OKR là hành động. Hành động là thứ đem lại kết quả, và lập kế hoạch tốt là nền tảng cho mọi hành động. Không kế hoạch tốt, không hành động tốt, không kết quả, OKR sẽ trở nên có cũng như không. OKR Master cần phải quyết liệt, OKR Facilitator phải có kỹ năng, các cuộc họp phải tối ưu thời gian. Đồng thời, tất cả các vị trí phải thường xuyên rút ra bài học và cải tiến.
Tiếp nối chương trình là phần chia sẻ của anh Nguyễn Khánh Tiệp (PGĐ Nhân sự tập đoàn FPT) với kinh nghiệm trong quá trình truyền thông OKR nội bộ từ thực tế tại tập đoàn FPT với hơn 50000 nhân sự. Anh nhấn mạnh quan điểm: “Khi nguồn lực hữu hạn, phải tập trung vào những điều quan trọng nhất”. Đặt O (Mục tiêu), KR (Kết quả then chốt) làm sao cho chuẩn để đạt kết quả tốt nhất, phù hợp năng lực và nguồn lực của tổ chức.
Nguyễn Khánh Tiệp coi việc truyền thông OKR trong toàn bộ tổ chức giống như một cuộc chiến tranh nhân dân đích thực. Nó đòi hỏi chiến lược từ ban lãnh đạo chứ không phải “đùng 1 cái làm”, không nên biến thành những mệnh lệnh hành chính dễ xảy ra sự chống đối từ phía nhân viên.
Truyền thông phải liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần, đánh trên mọi mặt trận (vật chất tinh thần) thông qua việc tổ chức các cuộc thi, xây dựng khẩu hiệu vui. Đồng thời truyền thông phải đánh mọi lúc mọi nơi. Đội ngũ “tướng tá” (lãnh đạo, quản lý) phải tự giác, nghiêm túc, phải “xuống chiến trường” chứ không đơn thuần chỉ ngồi bàn giấy. Họ phải làm gương, hiểu OKR nhất, muốn triển khai nhất, làm chuẩn chỉ nhất, bỏ nhiều thời gian review, cổ vũ động viên, hỗ trợ, khen thưởng cấp dưới. Có như vậy, OKR mới lan tỏa, đi sâu vào từng thành viên trong toàn bộ tổ chức.
Học viện Agile
Your TRUSTED Growth Partner