Ngày 22/7 vừa qua, tại Làng Văn hóa Ẩm thực Nắng sông Hồng, đã diễn ra sự kiện “Khởi động kế hoạch đổi mới mô hình kinh doanh tại Công ty cổ phần Deha Việt Nam” nhằm kích hoạt giải pháp đổi mới do chính các lãnh đạo cấp cao Deha đề xuất. Dựa trên những kiến thức được trang bị qua khóa học Nhà lãnh đạo khai phóng, các phương án lần lượt được đưa ra để cùng trao đổi, nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn.

A man is speaking

“Khởi động kế hoạch đổi mới mô hình kinh doanh tại Công ty cổ phần Deha Việt Nam” (Business Innovation Bootcamp Kickoff) có sự góp mặt của anh Dương Trọng Tấn – chủ tịch HĐQT Học viện Agile, giảng viên khóa học Nhà lãnh đạo khai phóng (WiseLeader) cùng các học viên là lãnh đạo cấp cao của Công ty cổ phần Deha Việt Nam. Trong suốt gần một ngày làm việc, sự kiện đã đi qua bốn phần chính: Hội thảo tập trung về các đề xuất tái thiết tổ chức; Seminar về đổi mới quản trị; Workshop về đổi mới mô hình kinh doanh Deha; Grooming đặt ưu tiên và xếp lại lịch hoạt động trong giai đoạn này để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cơ duyên

Khát khao “hóa rồng” trong lĩnh vực phần mềm cả trong và ngoài nước, Công ty Cổ phần Deha Việt Nam luôn tích cực tìm kiếm một cơ hội chuyển mình mạnh mẽ. Họ cần những giải pháp thiết thực để tái thiết tổ chức một cách đúng đắn, hiệu quả và bền vững. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận ở Deha đó là đội ngũ quản lý còn thiếu tri thức nền tảng về kinh tế xã hội, quản trị, và tổ chức. Xuất phát từ mong muốn đó, Deha trở thành đơn vị đầu tiên ký kết hợp tác với Học viện Agile để triển khai khóa học WiseLeader đến các lãnh đạo cấp cao của mình. 

Tính đến thời điểm diễn ra sự kiện, WiseLeader đã đi được hai phần ba chặng đường. Đây là giai đoạn nước rút với trọng tâm là vận dụng tri thức vào đổi mới các quá trình hoạt động chủ chốt của Deha để tạo ra kết quả. Sự kiện đặt dấu mốc kích hoạt giai đoạn “về đích” đầy hứa hẹn.

Hội thảo tập trung về các đề xuất tái thiết tổ chức

Mở đầu sự kiện, các học viên được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm trình bày phần làm việc của mình về các đề xuất tái thiết tổ chức trong khi các thành viên khác lắng nghe, hồi đáp và phản biện.

Nhóm 1 khởi động với Đề án cơ cấu thành phần các “DIV circle”. Mục tiêu của nhóm là dùng công cụ thiết kế tổ chức để phân tích hiện trạng tại Deha và đề xuất các giải pháp đổi mới. 

Mô hình mà nhóm sử dụng là “Star Model” gồm năm phần: chiến lược, cấu trúc, quy trình, các chỉ số và phần thưởng, các chính sách nguồn nhân lực. Áp dụng Star Model, nhóm đã thành công bước đầu trong việc phân tích thực trạng ở Deha.

Dựa trên các nguyên lý thiết kế tổ chức và nguyên tắc của Deha, nhóm 1 đưa ra kế hoạch mới với ba giai đoạn: Xây dựng nền tảng và thử nghiệm; Hoàn thiện mô hình và Nhân rộng mô hình. 

Nhóm 2 với phần trình bày: “Đổi mới tổ chức – văn hóa tổ chức Deha” đã tiếp cận và sử dụng các tài liệu về lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp làm cơ sở.

Với kỳ vọng định nghĩa được rõ ràng văn hóa Deha, nhóm 2 đề xuất thành lập nhóm xây dựng đề cương văn hóa Deha nhằm mục tiêu: xây dựng lý luận, mục tiêu và nguyên tắc văn hóa của Deha, phân tích và làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa Deha và hoạt động kinh doanh của công ty, đưa ra chân dung, mục tiêu cho những người làm văn hóa. 

Sang đến nhóm 3, một vấn đề mới được đề cập – mạng tài nguyên trong “vũ trụ” của Deha! Nhóm 3 kỳ vọng tái cấu trúc DEHA Academy để tối ưu việc kết hợp các nguồn lực sẵn có trong mạng lưới của Deha, làm nền tảng đưa các gói đào tạo ra ngoài cộng đồng.

Dưới sự trình bày của nhóm 3, chân dung hai đối tác chính của Deha hiện ra là CodeGym và NIX Education. Sau khi phân tích hiện trạng các bên, nhóm 3 áp dụng mô hình kinh doanh Canvas để đánh giá và đưa ra giải pháp cải tiến. Thông qua Canvas, nhóm đã trao đổi được những vấn đề thiết thực liên quan đến việc tận dụng các thế mạnh của đối tác trong quá trình tái cấu trúc DEHA Academy.

Seminar về đổi mới quản trị

Bên cạnh hoạt động thuyết trình và phản biện, các học viên cũng cùng nhau đọc cuốn “Tương lai của Quản trị” của tác giả Gary Hamel để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi được giảng viên Dương Trọng Tấn đặt ra như: 

  1. Đổi mới quản trị là gì? 
  2. Tại sao lại quan trọng nhất trong các loại đổi mới?
  3. Quản trị đổi mới trông như thế nào?
  4. Làm thế nào để đổi mới quản trị?

Ở mỗi câu hỏi, học viên không chỉ đi tìm câu trả lời cho nó mà còn giải đáp những câu hỏi liên quan. Ví dụ như sau khi tìm hiểu được khái niệm của đối mới quản trị thì phải phân biệt đổi mới quản trị với đổi mới kinh doanh, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Học viên cũng có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân của mình, xem xét quan điểm của tác giả Gary Hamel dưới góc nhìn của ông ấy.

Hoạt động đọc sách không phải buổi học nào cũng có, tuy nhiên việc cùng nhau đọc một cuốn sách, cùng đi tìm lời giải ở trong chính một tài liệu mà học viên sở hữu sau đó trao đổi và thảo luận là một phương pháp học tập vô cùng thú vị.

Workshop về đổi mới mô hình kinh doanh Deha

Trong thời gian buổi chiều, mọi người đã cùng nhau tham gia Workshop về đổi mới mô hình kinh doanh Deha. Ở phần này, các học viên dưới sự hướng dẫn của anh Tấn sẽ phân tích chân dung khách hàng, đề xuất về các giá trị, sáng tạo mô hình kinh doanh. 

Chân dung khách hàng được xác định dựa trên những điều họ lo lắng, điều họ muốn và điều họ cần. Từ đó, học viên đề xuất về các giá trị lợi ích, “thuốc giảm đau” cho khách hàng. Học viên làm bài tập bằng cách dán giấy nhớ lên bảng về các từ khóa mà họ tự chọn lọc và phân loại. Đặc biệt ở phần này, một case study mới được đưa ra: “khi khách hàng của Deha là Học viện Agile” đòi hỏi các học viên phải vận động tư duy xử lý tình huống thực tế.

Cuối sự kiện, mọi người cùng nhau đặt ưu tiên và xếp lại lịch hoạt động trong giai đoạn “Business Innovation Bootcamp” để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy sự kiện diễn ra cả ngày nhưng các học viên vẫn giữ được tinh thần thoải mái xuyên suốt các phần. Hơn hết, hoạt động này có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện tái thiết tổ chức mà ở đó, các học viên chính là những thành viên chủ chốt nên họ luôn cố gắng giữ cho mình sự tỉnh táo và tập trung tối đa.

Sự kiện khẳng định hiệu quả của khóa học WiseLeader trong ứng dụng thực tiễn. Để các kế hoạch có thể triển khai đúng tiến độ dự kiến, các học viên sẽ cần tiếp tục phối hợp với nhau hoàn thiện, tối ưu hóa các giải pháp được đưa ra, dự trù kinh phí và nguồn nhân lực sao cho phù hợp với năng lực hiện tại của Deha.